Trailer của bộ phim bom tấn “Transformers: Rise of the Beast” (Robot đại chiến: Quái thú trỗi dậy) do đạo diễn Steve Caple Jr. chỉ đạo đã gây bão với 494 triệu lượt xem trên toàn cầu chỉ sau hơn một tuần phát hành vào tháng 12 năm 2022. Con số này không chỉ lập kỷ lục về lượng xem trong lịch sử của hãng Paramount Pictures, mà còn chứng tỏ sức hút chưa hề giảm sút của dòng phim về robot.
Thực tế, sức ảnh hưởng của dòng phim này còn vượt ra ngoài phạm vi điện ảnh. Mỗi phút ngồi trước màn hình không chỉ là giải trí mà còn ít nhiều tác động đến quan điểm của chúng ta đối với các nền tảng robot hiện đang được sử dụng trong sản xuất và đời sống. Trong nhiều trường hợp, một khi quan điểm đã được định hình thì việc thay đổi nó trở nên vô cùng khó khăn.
Hình tượng robot trong điện ảnh
Hai thái cực thiện và ác
Có lẽ không nhiều khán giả muốn xem một bộ phim về robot với tính cách bình thường. Nếu để ý, hình ảnh robot trong điện ảnh thường được miêu tả với hai thái cực đối lập: nhân từ và xấu xa. Hãy cùng xem một vài ví dụ cho thấy điều này.
Trong loạt phim “Terminator” (Kẻ hủy diệt), robot được tạo ra để tiêu diệt con người. Trong “Matrix” (Ma trận), các robot đóng vai trò là những kẻ hung ác muốn biến con người thành nô lệ. Ngược lại là những robot được miêu tả với tính cách nhân từ. Ví dụ, nhân vật “The Iron Giant” (Robot khổng lồ) trong bộ phim cùng tên đã trở thành bạn tốt của một cậu bé. Đối với thể loại hoạt hình, WALL-E và Baymax (Big Hero 6) được miêu tả như những anh hùng dấn thân vào những chuyến phiêu lưu cứu nhân loại.
Hai thái cực thiện ác của robot trong điện ảnh được phản ánh rõ nét nhất trong loạt phim bom tấn “Transformers” (Robot đại chiến) với Autobot (thiện) muốn hồi sinh hành tinh Cybertron và Decepticon (ác) muốn sử dụng nó để tạo chiến tranh toàn vũ trụ. Có thể nói, việc phân chia robot thành hai thái cực thiện ác là một đặc trưng quen thuộc trong điện ảnh và người xem có thể dễ dàng nhận ra ở nhiều bộ phim khác.
Nỗi ám ảnh về robot giống con người
Các nhân vật robot trong phim thường được tạo hình với nhiều đặc điểm giống con người. Việc tạo hình gần giống con người tạo điều kiện cho nhà làm phim thể hiện hai đặc điểm chủ đạo của robot trong điện ảnh: robot muốn trở thành con người và robot muốn tiêu diệt con người. Sự tương đồng về hình dạng giúp người xem dễ dàng thấu cảm những trải nghiệm và cảm xúc của robot. Điều này cũng giúp nhà làm phim khai thác được các chủ đề phức tạp hơn về quan hệ giữa con người và máy móc. Bên cạnh đó, nhân vật robot giống con người còn giúp nhấn mạnh sự khác biệt giữa con người và máy móc, và người xem có cơ hội tự vấn bản thân mình về ý nghĩa của việc làm người.
Trở lại vấn đề thiện và ác, một điểm thú vị là robot càng giống con người thì thường được miêu tả như những kẻ đáng sợ và ác độc. Trái lại, những robot thân thiện thường được tạo hình đơn giản hơn. Và điều đó không phải là một sự trùng hợp. Điều này có thể được giải thích bằng tâm lý dựa vào ngoại hình để đánh giá trí thông minh của robot.
Khi một robot có vẻ ngoài giống người hơn, người xem dễ dàng suy diễn rằng robot đó thông minh hơn. Vì vậy, khi xem một kẻ phản diện đầy tham vọng hoặc một thế lực đe dọa loài người, người ta thường hình dung rằng chúng sở hữu một “trí thông minh siêu việt”. Vẻ ngoài giống con người được coi là tương xứng nhất với trí thông minh này. Ngược lại, khi nhân vật robot có vẻ ngoài máy móc đơn giản, người xem có xu hướng cho rằng chúng “ít thông minh hơn”. Điều này mang lại cảm giác an toàn và tạo niềm tin rằng chúng luôn trung thành và phục vụ con người một cách đáng tin cậy.
Từ điện ảnh đến trải nghiệm đời thực
Ấn tượng tiêu cực và sợ hãi
Mặc dù robot đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn có rất nhiều người chưa có cơ hội trải nghiệm trực tiếp với các loại robot, đặc biệt là những robot có hình dáng giống con người. Trong truyền thông, cụm từ “như robot” thường được sử dụng để miêu tả sự thiếu linh hoạt và thiếu khả năng biểu đạt cảm xúc. Tuy nhiên, sự thật là các robot hiện nay không hề như vậy.
Robot trong thực tế thường không có hình dáng giống con người, và đặc biệt là không có tính cách cực đoan như những người “anh chị em” trong điện ảnh. Hình dáng và chức năng của chúng được thiết kế dựa vào ứng dụng cụ thể trong sản xuất mà phổ biến nhất là cánh tay robot máy trong công nghiệp chế tạo. Nhờ vào các thuật toán tiên tiến, các thao tác và chuyển động của robot đã trở nên linh hoạt rất nhiều. Thậm chí, một số robot cũng đã được thiết kế để có khả năng biểu lộ cảm xúc thông qua khuôn mặt và chuyển động cơ thể.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng định kiến về robot đến từ truyền thông, đặc biệt là điện ảnh, đã ảnh hưởng đến quan điểm của chúng ta về robot. Những hình ảnh robot trong phim như “Her” với khả năng tương tác giống con người, “Terminator” với sự tàn ác và nguy hiểm của máy móc, hay “Baymax” với tính trung thành và sẵn sàng hy sinh, đã tạo ra ấn tượng về robot trong tâm trí của nhiều người dù chưa hề trải nghiệm trên thực tế.
Thực tế, khi tỉ lệ robot ác trong điện ảnh quá lớn thì ấn tượng tiêu cực và tâm lý sợ hãi càng nhiều. Vài nghiên cứu cho thấy việc người Á Đông có thường thái độ tích cực hơn đối với robot so với người phương Tây một phần là do độ phủ sóng của các bộ phim hoạt hình Nhật Bản, trong đó nhân vật robot thường được miêu tả thân thiện và gần gũi với Doraemon là một ví dụ điển hình.
Kỳ vọng, thất vọng, và tương lai
Định kiến dù tích cực hay tiêu cực đến từ điện ảnh có ảnh hưởng lớn đến việc chấp nhận hay từ chối sử dụng robot trong thực tế. Có ý kiến cho rằng điện ảnh nên phản ánh hình ảnh robot gần với thực tế hơn. Hollywood chắc chắn không đồng ý với ý kiến này này. Không nhà làm phim nào muốn làm khán giả của mình chán ngấy với hình ảnh robot quá bình thường và không có tính cách độc đáo. Thậm chí phim Robot&Frank còn lấy ý tưởng từ robot đời thực Asimo và tạo ra những chức năng tương tác xã hội và tính cách mà bản thân Asimo không hề có.
Trí thông minh của robot trong điện ảnh cũng khiến cho người dùng kỳ vọng cao vào sản phẩm robot trên thực tế. Khi sản phẩm không đạt được trình độ siêu việt như vậy thì tâm lý thất vọng là không thể tránh khỏi. Cũng giống như trong điện ảnh, khi hình dạng robot trong thực tế càng giống người thì kỳ vọng về trí thông minh của robot càng bị đẩy lên cao. Cụ thể như trường hợp robot Pepper đã phải ngừng sản xuất vì tạo hình quá giống còn người trong khi chức năng tương tác xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Để tránh tâm lý kỳ vọng quá cao từ khách hàng, một số nhà sản xuất robot chủ động không gọi sản phẩm của họ là robot mà nhấn mạnh vào tên của sản phẩm.
Nhìn từ một góc độ khác, điện ảnh đã giúp các nhà phát triển và sản xuất robot hiểu rõ tâm lý của người tiêu dùng. Với kỹ xảo điện ảnh, bất kỳ loại robot nào cũng có thể được tạo ra với hình dạng và trí thông minh độc đáo. Tuy nhiên, sản xuất robot trên thực tế lại đòi hỏi nhiều thời gian và công nghệ hiện tại còn hạn chế. Quan điểm về robot từ điện ảnh giúp đưa ra các sản phẩm phù hợp với kỳ vọng của công chúng, tăng cơ hội thành công cho các sản phẩm robot được phát triển trong tương lai.
Kết luận
Từ các bộ phim khoa học viễn tưởng cổ điển đến các bom tấn hiện đại, robot đã thu hút trí tưởng tượng của chúng ta và ít nhiều định hình cái nhìn của nhiều người đối với robot ngoài đời thực. Tuy nhiên, ranh giới giữa robot trên thực tế và điện ảnh ngày càng mờ nhạt. Nhiều robot giúp dọn dẹp rác thải đang hoạt động ngoài kia dù hình dạng không hoàn toàn giống WALL-E. Những robot dùng liệu polymer để tự chữa lành vết thương như Baymax hay có khả năng biến đổi hình dạng như Autobot đang dần dần xuất hiện. Và có lẽ, viễn cảnh về một robot giống như con người phục vụ món bắp rang bơ khi chúng ta đang xem phim cũng không còn xa nữa.
Tham khảo
Oliveira, R. & Yadollahi, E. (2023) Robots in movies: a content analysis of the portrayal of fictional social robots.
Bartneck, C. (2013). Robots in the theatre and the media.
Broadbent, E. (2017). Interactions with robots: The truths we reveal about ourselves.
Kriz, S., Ferro, T. D., Damera, P., & Porter, J. R. (2010). Fictional robots as a data source in HRI research: Exploring the link between science fiction and interactional expectations.
Sandoval, E. B., Mubin, O., & Obaid, M. (2014). Human robot interaction and fiction: A contradiction.