Andreas De Block: Quy trình tài trợ nghiên cứu khoa học hiện nay là lãng phí, không hợp đạo đức, và phi khoa học

January 10, 2022

Chúng ta nghe nói nhiều về “tiêu chuẩn thế giới” khi nghiên cứu khoa học. Vậy khoa học thế giới đang vận hành như thế nào? Ý kiến của GS. Andreas De Block từ Đại học KU Leuven đăng tải trên Twitter ngày 10/01/2022.

Để được cấp kinh phí nghiên cứu, các đề án phải cạnh tranh với nhau thông qua một quá trình bình duyệt (peer-review). Cách vận hành này đang được cho là hiệu quả và có khả năng lựa chọn ra được những đề án tốt nhất và sáng tạo nhất. Trên thực tế, quá trình này không những không hiệu quả mà còn cản trở sự đổi mới sáng tạo.

Hệ thống này đang vận hành không hiệu quả bởi vì các nhà khoa học đang phải bỏ ra rất nhiều thời gian để viết đề án. Một nghiên cứu của Link và cộng sự cho thấy các nhà khoa học làm việc tại các trường đại học ở Mỹ dành nhiều hơn 4 giờ mỗi tuần để viết đề án nghiên cứu.

Đa số các đề án này không được duyệt. Đây là một sự lãng phí rất lớn về mặt kinh tế. Ví dụ đối với một gói tài trợ nghiên cứu ở Úc, các nhà khoa học phải bỏ ra tổng thời gian tương đương với 500 năm làm việc để viết đề án (tương ứng với 41 triệu euros tiền lương) để cạnh tranh với nhau giành lấy một khoản 226 triệu euros tổng kinh phí nghiên cứu.

Quá trình bình duyệt cũng rất tốn thời gian (và có thể quy ra thiệt hại về kinh tế). Đại học KU Leuven ước tính rằng quá trình viết đề án và bình duyệt đề án ở cấp trường (internal funds) tốn khoảng 8 đến 16 triệu euros trong khi tổng kinh phí cho các đề án được duyệt là khoảng 50 triệu euros.

Gross và Bergstrom đưa ra một mô hình toán và chỉ ra rằng chi phí cho quá trình bình duyệt và viết các đề án không được duyệt thường cao hơn tổng kinh phí cấp cho các đề án được duyệt.

Quá trình này đạt đến đỉnh cao của sự không hiệu quả khi nó chỉ cấp kinh phí cho các nhà khoa học đã có thừa kinh phí rồi, và không cấp cho các nhà khoa học thiếu thốn kinh phí. Thật ngạc nhiên nhưng đó thật sự là những gì đang xảy ra.

Chú thích: Các nhà khoa học có thừa kinh phí nghiên cứu sẽ tạo ra được những nghiên cứu tốt hơn. Điều này làm tăng danh tiếng của họ và tạo cơ hội lớn giành được kinh phí cho các đề án tiếp theo. Ngược lại, những người không đủ kinh phí nghiên cứu sẽ không phát triển được sự nghiệp và không có cơ hội cạnh tranh kinh phí trong tương lai. Đây là một cái vòng luẩn quẩn hay còn gọi là hiệu ứng Matthew: người giàu ngày càng giàu hơn còn người nghèo ngày càng nghèo đi (the rich get richer and the poor get poorer).

Đến đây, chúng ta có thể nói rằng hệ thống này không tạo cơ hội cho những nhà khoa học tiềm năng nhưng không có danh tiếng, và nó cũng rất tốn kém. Nhưng ít nhất nó cũng tạo cơ hội cho những nhà khoa học tốt nhất và tài trợ cho những đề án tốt nhất phải không? Không, hệ thống này đang thiếu độ chuẩn xác (validity) và độ ổn định (reliability).

Điểm số của đề án thông qua quá trình bình duyệt khó dự đoán được mức độ thành công của kết quả nghiên cứu sau này. Nhiều nghiên cứu lấy dữ liệu từ hàng trăm ngàn đề án cho thấy không có sự tương quan (hoặc tương quan rất yếu) giữa điểm số bình duyệt lúc nộp hồ sơ và tầm ảnh hưởng của kết quả nghiên cứu sau đó.

Quá trình bình duyệt cũng thường chọn những đề án nhìn thấy trước được kết quả và không thích những đề án có tính sáng tạo, đề án liên ngành, và đề án mang tính đột phá (nghiên cứu của Boudreau và cộng sự). Nếu chúng ta muốn đổi mới và sáng tạo, chúng ta nên chuyển sang một hệ thống khác.

Những người tham giá quá trình bình duyệt cũng thường đưa ra đánh giá khác nhau đối với một đề án. Ví dụ, Graves và cộng sự cho thấy rằng 59% các đề án đã được cấp kinh phí bởi Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia của Úc đáng lẽ ra đã không được cấp kinh phí nếu được bình duyệt bởi những người bình duyệt khác.

Hệ thống hiện tại cũng sự thiên lệch tùy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, nữ giới, v.vv.. Có thể điều này làm bạn bị sốc, nhưng chủ nghĩa thân hữu (cronyism: ví dụ như thiên vị cho đồng nghiệp thân quen) rất phổ biến trong hệ thống này. Như một nghiên cứu đã trình bày, công việc bình duyệt là tự phục vụ (self-service: ví dụ như người nộp đề án cũng là người bình duyệt cho đề án khác) hơn là một nhiệm vụ (service).

Hệ thống hiện tại cũng tạo cảm giác khó chịu. Đa số nếu không muốn nói là hầu hết các nhà khoa học đều ghét hệ thống này, nhưng phải miễn cưỡng tham gia nó. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống (well-being) của các nhà khoa học (nghiên cứu của Herbert và cộng sự).

Quá trình bình duyệt quá cạnh tranh giữa các đề án cũng dẫn tới những nghi ngại trong thực tiễn nghiên cứu. Các nhà khoa học có thể không trung thực, cố ý làm thiên lệch kết quả nghiên cứu, thiếu trách nhiệm và thiếu công bằng.

Các nhà khoa học đều cố gắng trình bày đề án của mình một cách lôi cuốn nhất có thể để tăng cơ hội được duyệt. Điều này gần như không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cách trình bày lôi cuốn gần như không tăng thêm giá trị khoa học của đề án. Một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đánh bóng đề án quảng cáo rằng dịch vụ của họ sẽ giúp tăng cơ hội để đề án được duyệt lên đến 5 lần.

Tuy chưa có số liệu cụ thể để chứng minh vấn đề này nhưng rất nhiều nhà khoa học đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ những dịch vụ đánh bóng đề án như thế này. Và kinh phí cho chuyện này thường được chi trả bởi công quỹ (public money).

Nhiều nhóm nghiên cứu dùng kinh phí nghiên cứu để thuê vài nhân viên chỉ để viết đề án. Họ cũng thỉnh thoảng giúp chủ đề tài (PI) và các thành viên khác chuẩn bị phần phỏng vấn (để thuyết phục quỹ cấp kinh phí). Những việc này rõ ràng không đóng góp gì vào việc tìm ra chân lý khoa học mà chỉ liên quan đến việc đảm bảo nguồn tài chính cho nhóm nghiên cứu. Những nhân viên chuyên trách này, ít nhất là ở các đại học công, được trả bằng tiền công quỹ. Tiền này đáng lẽ ra phải được chi trả cho quá trình nghiên cứu thật sự.

Quan trọng nhất, trong mắt các nhà khoa học thì quy trình tài trợ kinh phí nghiên cứu là một trò chơi có tổng bằng 0 (zero-sum game). Thủ thuật viết đề án (grantsmanship) để làm tăng độ mạnh của hồ sơ gây hại cho khoa học, ở chỗ nó làm cho các đề án có hình thức trình bày đẹp và lôi cuốn vượt mặt những đề án có tính khoa học tốt hơn.

Một lần nữa, kinh phí nghiên cứu lại bị lãng phí. Nó làm cho hiệu ứng Matthew trở nên nghiêm trọng hơn và có tác động tiêu cực đến những nhà khoa học đến từ các quốc gia, khu vực, viện nghiên cứu, và nhóm nghiên cứu mà ở đó kinh phí nghiên cứu chưa được dư giả.

Tất cả những phê bình nói trên thường bị bác bỏ bằng cách cho rằng không hề có phương án thay thế. Nhưng không, chúng ta có các phương án thay thế. Ví dụ như bốc thăm ngẫu nhiên hoặc chia đều tổng kinh phí nghiên cứu cho tất cả các đề án.

Chú thích: Hai phương án thay thế này có vẻ quá đơn giản nhưng chúng được chứng minh là không hề kém hiệu quả so hệ thống hiện tại.


Read more posts

Other posts…