Dựa trên trao đổi qua email giữa Jared Diamond và Yuval Harari diễn ra trước sự kiện Seoul Forum 2016. Hai tác giả lớn viết về khoa học phổ thông với các tác phẩm nổi bật là Súng, vi trùng và thép và Sapiens: Lược sử loài người.
Đâu sẽ là động lực lớn nhất cho những thay đổi của xã hội loài người trong tương lai?
Harari cho rằng động lực lớn nhất chắc chắn sẽ là công nghệ, đặc biệt là khoa học máy tính và công nghệ sinh học. Trước đây, sản phẩm chính của nền kinh tế loài người là súng ống, thép, hàng dệt may và thực phẩm. Giờ đây, sản phẩm chính của nền kinh tế thế kỷ XXI sẽ là cơ thể (body), bộ não (brain) và tư duy (mind). Xuyên suốt chiều dài lịch sử, con người đã thay đổi thế giới xung quanh bằng nhiều cách. Nhưng con người vẫn chưa có sức mạnh để thay đổi cơ thể và tư duy của bản thân. Trong thế kỷ tới, con người tất nhiên sẽ vẫn tiếp tục thay đổi thế giới xung quanh. Nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta sẽ có sức mạnh để định hình lại cơ thể và tư duy của chính mình.
Diamond cho rằng công nghệ sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khía cạnh thực tiễn trong cuộc sống. Tuy nhiên, hai vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta trong tương lai vẫn sẽ tiếp tục giống như hiện nay. Đó là nguồn tài nguyên hữu hạn và sự bất bình đẳng. Sự hữu hạn của tài nguyên sẽ tác động đến mức gia tăng dân số và mức sống của con người. Sự bất bình đẳng về mức sống giữa các quốc gia đang gây ra các vấn đề di cư và sẽ trở nên trầm trọng hơn trong tương lai.
Harari đồng ý rằng bất bình đẳng và khan hiếm tài nguyên chắc chắn sẽ là những động lực chính dẫn đến thay đổi trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nói đến tác động qua lại giữa công nghệ với xã hội và với môi trường. Cần lưu ý rằng những đột phá về công nghệ trong tương lai có thể thay đổi ý nghĩa và nội dung của “bất bình đẳng” và “tài nguyên”. Trong những thập kỷ tới, những đột phá trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sinh ra nhiều vấn đề tồi tệ hơn mà chúng ta không thể lường trước được. Ngày nay chúng ta quan ngại về sự bất bình đẳng giữa các quốc gia của cùng một loài người (sapiens) thì vào năm 2100 mối quan ngại chính có thể là sự bất bình đẳng giữa các loài người khác nhau hoặc thậm chí giữa con người và robot.
Robot và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với nhân loại?
Harari muốn phân biệt rõ khái niệm robot và trí tuệ nhân tạo. Robot chỉ là phần vỏ trong khi phần quan trọng là trí thông minh điều khiển robot. Chúng ta hiện đang phát triển AI vượt trội hơn con người trong nhiều tác vụ từ lái xe ô tô đến chẩn đoán bệnh tật. Các chuyên gia ước tính rằng trong vòng 20 - 30 năm nữa, có tới 50% việc làm ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ do AI đảm nhiệm. Nhiều loại việc làm mới có thể sẽ xuất hiện nhưng điều đó không nhất thiết giải quyết được vấn đề mất việc làm do AI. Con người về cơ bản chỉ có hai loại kỹ năng: kỹ năng thể chất và kỹ năng nhận thức. Nếu máy tính và robot vượt trội hơn chúng ta về cả hai, chúng sẽ giỏi hơn chúng ta trong những công việc mới. Con người sống trong một thế giới như vậy sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ làm gì với hàng tỷ người vô dụng (về mặt kinh tế)? Đây có thể sẽ là câu hỏi kinh tế và chính trị lớn nhất của thế kỷ XXI.
Diamond vẫn cho rằng robot và trí tuệ nhân tạo sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khía cạnh thực tiễn của cuộc sống con người mà thôi. Robot và trí tuệ nhân tạo sẽ gây ra những thay đổi giống như những gì điện thoại, ô tô, truyền hình và email đã gây ra. Nhưng dù có những công nghệ này, con người vẫn phải đối mặt với những vấn đề cơ bản giống như cũ: làm thế nào để nuôi dạy con cái, cách đối phó với tuổi già, cách giải quyết tranh chấp, cách chăm sức khỏe, v.v… Chúng ta đã phải đối mặt với những vấn đề cơ bản đó trong hàng chục nghìn năm, trước khi chúng ta có điện thoại và ô tô, và chúng ta sẽ tiếp tục sống với những vấn đề đó sau khi chúng ta có robot và trí tuệ nhân tạo.
Harari đồng ý rằng nhiều vấn đề cơ bản mà nhân loại phải đối mặt vẫn còn đó. Trên thực tế, những vấn đề này không phải từ hàng chục nghìn năm trước mà là hàng chục triệu năm trước. Chúng ta cũng chia sẻ những vấn đề cơ bản này với các loài động vật khác nữa. Nếu con người vẫn giữ cơ thể và tư duy như hiện nay thì các vấn đề cơ bản này sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, AI khác với điện thoại và ô tô. AI có sức mạnh để thiết kế lại cơ thể và tư duy của chúng ta và thậm chí thay thế chúng ta hoàn toàn. Nếu AI thay thế con người trở thành lực lượng thống trị hành tinh thì lần đầu tiên sau hàng triệu năm, trái đất sẽ bị thống trị bởi những sinh vật không có con, không già và không cần cảm xúc để giải quyết tranh chấp.
Liệu khu vực Đông Á có thể trở thành người dẫn dắt xã hội loài người không?
Cả Harari và Diamond đều không đưa ra câu trả lời cụ thể.
Harari cho rằng chúng ta đang ở trong một tình huống tương tự như thế kỷ XIX. Vào thời điểm đó, thế giới đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng này được dẫn dắt bởi rất ít quốc gia như Anh, Mỹ và Nhật Bản. Hầu hết các quốc gia khác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Do đó họ đã bỏ lỡ chuyến tàu phát triển và bị các quốc gia công nghiệp chiếm đóng và khai thác. Vào thế kỷ XXI, xã hội loài người lại bắt đầu một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Hiện nay, cuộc cách mạng này đang được dẫn dắt bởi khu vực Đông Á và Bắc Đại Tây Dương. Các khu vực khác, chẳng hạn như Châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ đang bị bỏ lại phía sau. Tất cả các quốc gia trên thế giới ngày nay đều phải đối mặt với một câu hỏi rằng: họ sẽ là một phần của cuộc cách mạng tiếp theo, hay họ sẽ bị bỏ lại phía sau?
Diamond lưu ý rằng cần phân biệt giữa “có thể trở thành người dẫn dắt” và “có thể trở thành một trong những người người dẫn dắt”. Trong thế kỷ trước, người Đông Á, Châu Âu và Bắc Mỹ đã dẫn dắt xã hội loài người trong đó quyền lực nhất là Bắc Mỹ. Diamond kỳ vọng rằng Đông Á, Châu Âu và Bắc Mỹ vẫn sẽ là những người dẫn dắt trong tương lai gần, ít nhất là trong vài thập kỷ tới. Ba khu vực này có những lợi thế bất biến về vị trí địa lý. Khu vực nào phát huy được những lợi thế khác sẽ vượt lên trên các khu vực còn lại.