Các ứng dụng tự động hoá được chế tạo trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ nhất ở Việt Nam (tháng 1-7/2020) đã có những đóng góp nhất định trong việc kiểm soát dịch bệnh. Khi những ứng dụng đầu tiên được chế tạo vào thời gian đầu của đại dịch, báo chí đã nhanh chóng đưa tin rộng rãi trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Việc này đã góp phần nhân rộng các ứng dụng tự động hoá ứng phó COVID-19 trên phạm vi cả nước.
Các ứng dụng đầu tiên xuất hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh do nhu cầu thực tế vì đây là các địa phương có nhiều ca dương tính, mật độ dân cư cao, và số lượng người nhập cảnh từ nước ngoài rất lớn. Với các nguồn lực sẵn có của mình, các địa phương này đã nhanh chóng sản xuất những ứng dụng đầu tiên. Các ứng dụng không cần nhiều công sức nghiên cứu có thể kể tới gồm máy rửa tay tự động và máy ATM gạo. Các ứng dụng cần nhiều nỗ lực nghiên cứu hơn gồm buồng khử khuẩn, máy thở, các hệ thống kết nối vạn vật (IoT) và các loại robot khác nhau.
Các ứng dụng tự động hoá ứng phó COVID-19 đã được biết đến rộng rãi nhờ vào các kênh báo chí chính thống cũng như mạng xã hội. Việc này đã thúc đẩy nhiều cá nhân và tổ chức ở những nơi khác bắt đầu chế tạo những ứng dụng ở địa phương của mình. Do có sự khác biệt về nguồn lực công nghệ, các ứng dụng công nghệ cao ít được nhân rộng hơn. Tuy nhiên, các ứng dụng không đòi hỏi nhiều công sức nghiên cứu đã được phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước như máy rửa tay hay máy ATM gạo. Mặc dù giải pháp máy phát gạo tự động không mới, ý tưởng cung cấp gạo miễn phí cho người thu nhập thấp là điểm đặc biệt khiến các kênh truyền thông quốc tế như CNN, Reuters, và Strait Times chú ý và đưa tin. Một số ý kiến cho rằng các máy ATM gạo được triển khai ở Indonesia và Malaysia đã lấy cảm hứng từ các máy ATM gạo ở Việt Nam.
Ngoài việc giúp nhân rộng các ứng dụng tự động hoá ứng phó COVID-19 trên phạm vi cả nước, việc báo chí đưa tin rộng rãi về các ứng dụng này cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh cũng như nâng cao tinh thần đoàn kết. Máy rửa tay giúp nhấn mạnh sự cần thiết của việc giữ vệ sinh sạch sẽ. Máy ATM gạo góp phần truyền đi thông điệp không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch. Sự đa dạng các cá nhân và tổ chức tham gia chế tạo đã vẽ nên hình ảnh toàn xã hội đoàn kết cùng nhau đối phó với đại dịch.
Bên cạnh những tác động tích cực của việc đưa tin, việc một số bản tin cường điệu hoá về tính hiệu quả và mức độ công nghệ của các ứng dụng có thể gây hiểu nhầm rằng Việt Nam rất mạnh về công nghệ tự động hoá. Trên thực tế, các ứng dụng ở Việt Nam không mới và đa số không đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật cao. Tuy hiệu quả của các ứng dụng là có, hiện tại chưa có một nghiên cứu đầy đủ để chứng minh tính hiệu quả một cách bài bản và khoa học. Sự ngộ nhận rằng Việt Nam đã có mức phát triển công nghệ tự động hoá cao có thể tạo ra kỳ vọng thái quá của xã hội đối với các ứng dụng tự động hoá trong nước ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Cập nhật: Bài báo đã được đưa vào cơ sở dữ liệu các nghiên cứu toàn cầu về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)